img_banner

Tọa đàm khoa học "Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ vật liệu mặt đường nhựa phù hợp cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận”

Sáng ngày 10 tháng 4, tại Trường Đại học Giao thông vận tải, Bộ môn Đường bộ - Khoa Công trình, phối hợp cùng Công ty TNHH Cung ứng nhựa đường (ADCo) đã tổ chức buổi Tọa đàm khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ vật liệu mặt đường nhựa phù hợp cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận”

 

Đây là một trong những hoạt động hợp tác có ý nghĩa thiết thực để triển khai Biên bản Hợp tác giữa Trường Đại học Giao thông vận tải và Tập đoàn TIPCO/COLAS đã ký vào tháng 11 năm 2024 vừa qua.

 

Ảnh 1: Toàn cảnh hội thảo

 

Buổi tọa đàm vinh dự có sự hiện diện của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước như Cục Đường bộ Việt Nam, Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng); đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng và tư vấn giao thông Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn CIENCO 4, Công ty CP Bê tông Hà Thanh, Tổng công ty 36, Tư vấn TEDI, TECCO 5, Công ty CP Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long…

 

Về phía các đơn vị nghiên cứu và đào tạo, buổi tọa đàm hân hạnh được đón tiếp các Giáo sư, Phó Giáo sư, các nhà khoa học, giảng viên đến từ Trường Đại học Giao thông vận tải (UTC) và Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (UTT).

 

Ảnh 2: Đại diện Trường UTC và Cục Đường Bộ, Công ty ADCo 

 

Tại đây, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới nhất, những ứng dụng thành công về vật liệu mặt đường nhựa phù hợp cho khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các đại biểu đánh giá cao về việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng các loại vật liệu mặt đường phù hợp với các đặc trưng khu vực đô thị như Hà Nội và khu vực lân cận.

 

Ảnh 3: Cty ADCo giới thiệu về nhũ tương EcoPrime®

 

Công ty ADCo đã giới thiệu tại tọa đàm các giải pháp xanh, phát triển bền vững cho xây dựng đường bộ tại Việt Nam, hướng tới mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, theo như hội nghị COP26. Trước tiên phải kể đến đó là nhũ tương EcoPrime® -  nhũ tương nhựa đường axit thấm bám (EAP) phù hợp tiêu chuẩn TCVN 14270:2024. Đây là loại nhũ tương được thiết kế chuyên dụng làm lớp thấm bám, thay thế cho nhựa đường lỏng MC-70 truyền thống, với khả năng thấm bám tốt với bề mặt lớp móng và khô nhanh giúp rút ngắn thời gian thi công và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, đồng thời sản phẩm thi công tại nhiệt độ môi trường, an toàn, thân thiện môi trường và các tỉnh thành.

 

Buổi  tọa đàm này đã làm rõ hơn khả năng ứng dụng rộng rãi của sản phẩm EcoPrime® để  góp phần giảm chi phí, đẩy nhanh tiến độ thi công đồng thời hạn chế các tác động xấu tới môi trường, sức khỏe người lao động và cư dân nơi dự án triển khai. Cơ sở pháp lý để sử dụng nhũ tương EcoPrime® đã đầy đủ, bao gồm Bộ KHCN đã công bố TCVN14270-2024  và Bộ Xây dựng đã ban hành định mức xây dựng cơ bản.

 

Ảnh 4: Công ty ADCo giới thiệu tại hội thảo nhũ tương EcoGrip® cho công nghệ Microsurfacing

 

Tại buổi tọa đàm, Công ty ADCo cũng chia sẻ chủ đề về công nghệ bảo trì phòng ngừa Microsurfacing sử dụng nhũ tương polyme phân tách sớm EcoGrip®, với ưu điểm thi công nhanh, tiện lợi, thông xe nhanh sau 1-1.5h (ban ngày), chi phí hơp lý đã được triển khai áp dụng thực tiễn tại các dự án QL21B Nam Định, DT741 Bình Dương và đường Võ Trần Chí, TP HCM. Sau khoảng thời gian vận hành khai thác, bề mặt được phủ lớp Microsurfacing vẫn trong tình trạng tốt ổn định, có độ ma sát cao, chống thấm tốt, bảo vệ kết cấu bên dưới. Riêng đối với khu vực TPHCM, công nghệ Microsurfacing đang được xem xét để áp dụng đại trà trên các tuyến đường nội đô của thành phố.

 

Về phía trường ĐHGTVT, Tiến sĩ Trần Danh Hợi trình bày nội dung về “Nhiệt độ mặt đường và lựa chọn loại nhựa đường phù hợp cho khu vực Hà Nội” theo tiêu chí phân loại PG – chỉ tiêu quan trọng giúp kiểm soát chất lượng, lựa chọn loại nhựa phù hợp với điều kiện khí hậu và lưu lượng giao thông của từng dự án.

 

Tiến sĩ Trần Thị Cẩm Hà chia sẻ nghiên cứu về kết cấu áo đường mềm cấp cao sử dụng lớp móng cấp phối đá chặt gia cố nhựa và bê tông nhựa bán rỗng, cho thấy lợi thế vượt trội của BTN cấp phối chặt so với BTN bán rỗng 25 về độ ổn định Marshall, mô đun đàn hồi tĩnh và động – từ đó giúp giảm chiều dày kết cấu, tối ưu chi phí và kéo dài tuổi thọ công trình.

 

Kết thúc chương trình, Công ty ADCo cũng đã giới thiệu thêm những công nghệ vật liệu tiên tiến hướng đến phát triển bền vững:

  • Công nghệ BTN ấm giúp giảm nhiệt độ trộn, tiết kiệm năng lượng.
  • Công nghệ sử dụng vật liệu gốc thực vật giúp giảm phát thải carbon, thân thiện môi trường
  • Các giải pháp đem lại kết cấu bền vững, tính năng cao như Betoflex, Colsave, Coldraine (sử dụng nhựa đường polymer PMB Colflex®) giúp tăng tuổi thọ kết cấu và giảm chi phí bảo trì và nguyên vật liệu sử dụng.
  • Các công nghệ sử dụng vật liệu tái chế như Recycol, Easycold, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần giảm phát thải carbon, hiện thực hóa cam kết khí hậu COP26.
 
Ảnh 5: Ông Cao Dương Tùng - Phó TGĐ Công ty ADCo phát biểu tại hội thảo
 

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm đã tranh luận sôi nổi, cởi mở và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, mở ra một cái nhìn mới về các sản phẩm phù hợp với đặc thù đô thị của Hà Nội nói riêng và các khu vực lân cận nói chung.

 

Công ty ADCo xin chân thành cảm ơn sự hiện diện và đóng góp ý kiến quý báu của các đại biểu, chuyên gia, giảng viên, doanh nghiệp đã góp phần tạo nên thành công của buổi tọa đàm khoa học đầy ý nghĩa này.

 

Nguồn: UTC-ADCo

Các bài viết khác

Các tin tức liên quan khác